Khi đảo xa luôn thật gần
Đến với nhà Trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), khách tham qua sẽ được tận mắt đọc những thông tin, tư liệu, hình ảnh giá trị minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong chuyến về nguồn tại Quảng Nam, Đà Nẵng vào tháng 8/2019, thành viên CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” cũng vinh dự được đến đây và tình yêu biển đảo, quyết tâm giữ vững chủ quyền của mỗi thành viên như được kết nối mạnh mẽ hơn.
Đây Hoàng Sa – Paracel của đất Việt
Nhà Trưng bày Hoàng Sa là công trình được thiết kế, xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam”, với mặt tiền là hình lá cờ tổ quốc do công ty kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) làm tư vấn thiết kế. Nơi đây trưng bày hơn 300 tài liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh, được tổ chức trưng bày xuyên suốt, phản ánh cả quá trình lịch sử theo chiều lịch đại từ những ngày đầu khi các chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền đến thời điểm hiện nay.
Các thành viên CLB được tận mắt xem những tư liệu, bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đó là bản đồ màu vẽ hình thế xứ Quảng Nam trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ tư” do Đỗ Bá soạn vẽ vào năm 1686 và được sao vẽ lại vào thế kỷ XIX. Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi: “Giữa khơi có một dãi cát gọi là Bãi Cát Vàng, dài ước 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữa biển. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi khi có gió Tây Nam thì thường thuyền các nước đi phía trong trôi dạt vào đây, khi có gió Đông Bắc thuyền đi phía ngoài cũng trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, hàng hóa loại đều bỏ lại ở đó. Nhà Nguyễn hàng năm vào tháng cuối Đông (tháng 12) đem 13 chiếc thuyền đến đó để thu đồ vật, phân nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Đi từ cửa biển Đại Chiêm vượt biển đến đây mất một ngày rưỡi, từ cửa Sa Kỳ đến đây mất nửa ngày. Xứ Trường Sa có đồi mồi”.
Hay An Nam đại quốc họa đồ được vẽ in trong từ điển Latinh – Annam xuất bản năm 1838, trên bản đồ này cũng vẽ quần đảo Paracel (Hoàng Sa) nằm trong vùng biển của Việt Nam có tọa độ gần đúng với thực tế, kèm theo dòng chú thích “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel tức là Cát Vàng). Đồng thời trên tập san The Joumal of the Geography of the Asiatic Society of Bengal xuất bản năm 1837, Giám mục Taberd ghi: “Paracel hay Pracel tức là Hoàng Sa – Cồn Vàng, thuộc về Cochin China (Việt Nam)”, đồng thời khẳng định: Năm 1816, vua Gia Long đã cho người đến cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này mà không gặp bất cứ ai tranh chấp với ông về việc này”.
Từ tư liệu trong nước đến tư liệu quốc tế đều xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ ở Nhà Trưng bày Hoàng Sa giúp những người con đất Việt đủ vững tin về công cuộc bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền của Đất Nước mình.
Rưng rưng nghĩ về những người mở cõi
Các thành viên đoàn về nguồn của CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” lần này phần lớn là những người tuổi đã cao nhưng tinh thần và trái tim hướng về biển đảo thì luôn ấm nóng và mạnh mẽ. Có người chân đau, có người đi vài bước phải tạm nghỉ, thậm chí có thành viên chống gậy để di chuyển thuận lợi hơn. Ấy vậy mà ai cũng quyết tâm đi hết Nhà trưng bày Hoàng Sa để hiểu rõ, để về tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia các hoạt động vì biển đảo.
Nhìn mô hình chiếc ghe mộc mạc dùng để đi ra đảo Hoàng Sa, nhìn những chiếc chiếu, nẹp tre phòng khi hữu sự khi đi biển mà nước mắt của mọi người rơi lúc nào không hay biết. Quả thật quá trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của dân tộc được bồi đắp bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ cha anh. Thực tế ấy đã đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao ngư dân vùng biển miền trung nắng gió: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”;“Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”. Đó là hai trong rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Và tình yêu đất liền, biển đảo, sự trân quý những tất đất thớ thịt của quê hương không chỉ riêng những ngư dân mà cả những người con đất Việt trong đó có thành viên CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” với một tinh thần bất diệt: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
BẢO BÌNH
Chú thích ảnh:
Đoàn về nguồn của CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” chụp hình lưu niêm trước Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng.
Mô hình thuyền gỗ đơn sơ ra đảo làm đoàn vô cùng xúc động.
Cả đoàn chăm chú lắng nghe thuyết mình về các bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Chiếc chiếu, dây mây của hải đội Hoàng Sa phòng khi hữu sự khi đi biển.