Khái quát về biển, đảo Việt Nam

1. Vị trí địa lý:

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước, có chiều dài đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo về sườn phía Đông đất nước; một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

* Nội thủy: Vùng biển ở phía bên trong đường cơ sở  và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nội thủy được coi như lãnh thổ trên đất liền của một quốc gia và đặt dưới chủ quyền toàn vẹn đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển.

- Đường cơ sở : Là đường dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác. Các ranh giới khác trên biển được tính từ đường cơ sở. Có 2 loại đường cơ sở :

+ Đường cơ sở thông thường : Là đường sử dụng ngấn nước triều thấp nhất ven bờ biển hoặc hải đảo.

+ Đường cơ sở thẳng : Là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo. Đường cơ sở thẳng áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuỗi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển.

* Lãnh hải: Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý (1 hải lý = 1.852m). Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ta thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

- Tàu thuyền dân sự và quân sự các nước khác có quyền đi qua lãnh hải của nước chủ với tư cách đi qua không gây hại mà không cần xin phép nước chủ.

* Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

* Vùng đặc quyền kinh tế: Là vùng tiếp liền với lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam là một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

- Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đặc quyền khai thác biển như lắp đặt sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển, quyền nghiên cứu khoa học biển, quyền bảo vệ môi trường.

- Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải xin phép và có sự đồng ý của quốc gia ven biển (cứu hộ, diễn tập, quan sát quân sự).

* Thềm lục địa: Bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý tính từ đường cơ sở đó.

- Theo Công ước Luật biển 1982, nếu thềm lục địa của một nước ra biển quá 200 hải lý thì nước đó có quyền khai thác thềm lục địa ra tới tối đa là 350 hải lý, tùy theo địa hình của đáy biển. Trong vùng thềm lục địa, nước chủ có đặc quyền khai thác đáy biển cho mục đích kinh tế.

- Trừ điểm này ra, vùng thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý được coi như biển quốc tế.

2. Tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:

a. Về kinh tế, chính trị - xã hội :

- Biển Đông là biển lớn thứ 2 trên thế giới, có diện tích khoảng 3 triệu km², được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Biển Đông có nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí và khoáng sản rất lớn. Về giao thông vận tải, Biển Đông là tuyến đường huyết mạch mang tính chiến lược không chỉ với các nước trong khu vực mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Gần 90% dầu lửa nhập khẩu của Nhật Bản, 70% của Trung Quốc từ Trung Đông đều đi qua Biển Đông. Mỗi ngày có 200 - 300 tàu vận tải loại lớn đi qua vùng biển này.

- Đối với Việt Nam, vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Cùng với đất liền, vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một thị trường có sức mua khá lớn, một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động.

- Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ khí đốt. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy,cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác.

- Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như : tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển... Dọc ven biển còn có hơn 80 vạn hécta bãi triều và các eo vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi nuôi trồng hải sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá song, cá mú, rong câu..

- Dọc bờ biển nước ta đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó có một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... Hiện nay nước ta có trên 100 cảng biển và 10 khu chuyển tải hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống các cảng biển.

b. Về quốc phòng - an ninh:

- Biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Do đặc điểm lãnh thổ đất liền nước ta có hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp (nơi rộng nhất khoảng 600km, nơi hẹp nhất khoảng 50km), nên chiều sâu phòng thủ đất nước bị hạn chế. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không lớn, nên rất dễ bị địch tấn công từ  hướng biển. Nếu chiến tranh xảy ra thì mọi mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm hoạt động, bắn phá của vũ khí trang bị công nghệ cao xuất phát từ hướng biển. Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lưc lượng khác thì biển, đảo có vai trò rất quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.

Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việt Nam là 1 quốc gia có biển, nhân tố mà thế giới luôn xem như là một yếu tố đặc lợi, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển, chúng ta phải có quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên biển để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các nước địa phương làm ăn trên các vùng biển, đảo nhất là các vùng biển xa.

TRUNG ƯƠNG ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
QUỸ HỌC BỔNG VỪ A DÍNH
CLB “VÌ HÒANG SA, TRƯỜNG SA THÂN YÊU”.
Số 5 Hòa Mã, Hà Nội
Tel: (84.24) 39762905 | Fax: (84.24) 38215 710

Văn phòng đại diện khu vực phía Nam
Số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15,
Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh
Tel: (84.28) 66741106 | Fax (84.28) 62994819

Thực hiện bởi
Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương
© 2018 CÂU LẠC BỘ “VÌ HÒANG SA, TRƯỜNG SA THÂN YÊU”.

Search